CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Các biện pháp cụ thể mọi người cần thực hiện như sau:
Khi không có dịch:
– Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
– Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.
– Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
– Không dùng tay dụi mắt.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ:
Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp sau:
– Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
– Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
– Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
– Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
– Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.